Giá Trị Của Những Quân Cờ Trên Bàn Cờ Tướng

Chơi cờ là cuộc chiến đấu giữa hai đạo quân. Cuộc chiến này luôn diễn ra bên này hoặc bên kia tiêu diệt quân đối phương, hoặc cả hai bên cùng tiêu diệt quân lẫn nhau. Người ta nói, đó là hai bên trao đổi quân với nhau.


Nhưng chúng ta đã học, mỗi quân cờ có lối đi khác nhau thể hiện sức mạnh khác nhau, tức giá trị của chúng không đồng nhất. Vậy căn cứ vào đâu để trao đổi quân? Những người chơi cờ trước kia bảo rằng: "Xe 10, Pháo 7, Mã 3" như thế có đúng không?

Trước hết phải nói là câu đánh giá sức mạnh của Xe, Pháo, Mã như thế là không công bằng, không chính xác nhưng cũng không hoàn toàn sai. Không hoàn toàn sai vì đánh giá cao quân Xe là đúng, cho Xe giá trị 10 cũng đúng và sức mạnh của Xe bằng sức mạnh của Pháo và Mã hợp lại cũng đúng nốt. Nhưng đánh giá quân Pháo quá cao, cho rằng hai quân Pháo cộng lại hơn một Xe là không chính xác. Đánh giá quá thấp Mã, cho rằng hai Mã cộng lại không bằng một Pháo là không công bằng và hoàn toàn không chính xác.

Những nhà nghiên cứu, lý luận về cờ đã thống nhất đánh giá lại các quân theo bảng giá trị sau.

Nếu lấy một con Tốt chưa qua hà làm chuẩn để xác định giá trị thì nó chỉ bằng 1. Vì khi chưa qua hà Tốt là quân kém năng lực nhất, nó chỉ kiểm soát có mỗi một điểm trước mặt. Thế nhưng khi nó đã qua hà thì trở nên linh hoạt hơn. Nó có thể rẽ nhánh qua phải, hoặc qua trái và có thể uy hiếp bất cứ quân nào của đối phương vì nó có giá trị quá thấp, sẵn sàng "đổi mạng" với quân đối phương. Bây giờ không thể chỉ coi nó có giá trị 1 nếu đối phương cũng đồng tình bỏ ra một Sĩ hoặc một Tượng để đổi lấy Tốt. Như vậy giá trị của Tốt đã qua hà phải là 2.

Từ lấy Tốt làm chuẩn, người ta đã so sánh giá trị của các quân cờ như sau:


Với bảng giá trị đó, người ta liệt Xe, Pháo và Mã vào loại những "quân mạnh". Các quân Sĩ, Tượng, Tốt vào những "quân yếu". Trong bản này không nói giá trị của Tướng vì nó không phải là một quân chiến đấu, dù đôi khi nó cũng giúp các quân của phe nó giành chiến thắng, nhưng không thể đánh đổi nó với bất cứ giá nào nên không cần thiết đề ra giá trị của nó. Hễ mất Tướng thì thua cờ, đó là qui ước cơ bản khi bày ra trò chơi này.

Trở lại bảng giá trị, ta so sánh để thấy giá trị một Xe tương đương một Mã và một Pháo, hoặc hai Pháo hay hai Mã cộng một Tốt. Còn giá trị một Mã ngang với một Pháo hay có kém tí ti, còn hai Mã thêm một Tốt chưa qua hà bằng hai Pháo. Xe Pháo Mã là bộ ba ngang với Xe hai Mã hoặc Xe hai Pháo. Nếu so sánh với Sĩ, Tượng thì thấy một Mã hoặc một Pháo tương đương với hai Sĩ hoặc hai Tượng. Nếu so sánh với Tốt thì một Mã bằng hai Tốt qua hà và một Tốt qua hà bằng một Tượng hoặc một Sĩ.

Chính định giá trị các quân như thế mà các đối thủ căn cứ vào đó để trao đổi quân, tính toán trao đổi thế nào là ngang bằng, trao đổi thế nào là lời chất hay lỗ chất...

Thế nhưng đây chỉ là giá trị của các quân mang tính chất tuyệt đối, nghĩa là chỉ căn cứ vào sức mạnh so sánh giữa chúng trên một bàn cờ trống trơn, không đặt trong một thế cờ phức tạp nào. Người ta cũng gọi đây là giá trị vốn có của từng quân cờ. Còn trong khi giao đấu, ở từng giai đoạn cụ thể, với những vị trí đứng khác nhau, giá trị của từng quân cờ thay đổi. Nó có thể tăng cao hơn, nếu nó đứng ở vị trí tốt, hoặc cũng có thể giảm đi nếu đứng ở vị trí xấu. Người ta gọi giá trị này là giá trị biến động của các quân. Do đó người chơi cờ cao không phải chỉ căn cứ vào giá trị vốn có mà còn phải căn cứ vào giá trị biến động của các quân để quyết định nên đổi quân hay không.