Chiếu Bí: Mục Đích Tối Hậu Của Cờ Tướng

Ván đấu là cuộc chiến giữa hai đấu thủ điều khiển hai đạo quân trên bàn cờ giao tranh nhau với mục đích tối hậu là phải chiếu bí Tướng đối phương. Muốn đạt được mục đích này không đơn giản, vì hai bên có lực lượng ngang nhau. Do đó việc trước tiên là phải tiêu diệt và tiêu hao lực lượng đối phương, rồi sau đó mới có khả năng tấn công chiếu bí Tướng đối phương.


Để hiểu rõ thế nào là Tướng bị chiếu hết, chúng ta xem xét một trường hợp cụ thể sau đây. Thế nhưng trước hết cần thống nhất khái niệm về thuật ngữ "chiếu bí" hay "chiếu hết".

1. Khái niệm về "chiếu bí" 

Đây là một thuật ngữ hoàn toàn do làng cờ Việt Nam đặt ra trên cơ sở tham khảo thuật ngữ của Trung Quốc. Thuật ngữ "chiếu bí" dùng chỉ tình trạng khi một bên "chiếu Tướng" còn một bên "bị chiếu" mà Tướng không có chỗ nào ẩn nấp, cũng không có quân nào cứu viện. Đó là Tướng bị "chiếu bí". Người Trung Quốc thì gọi là "Tướng bị sát hại" hay ngắn gọn hơn là "Tướng chết".

Ta xem hình:

Nếu Trắng đi trước: 1.X4-5 (chiếu bí).

Nếu Đen đi trước: 1...B5.1 hoặc 1...B5-4 hay 1...M3.2 cả mấy cách đều chiếu bí.

2. Ván cờ thua 

Ván cờ kết thúc luôn diễn ra hai tình huống: thắng - thua và hoà. Hễ bên này thắng thì bên kia thua, còn hai bên không ai thắng, thua là ván cờ hoà. Phần trên vừa nêu về khái niệm "chiếu bí" và qui ước: bên nào Tướng bị chiếu bí thì bên đó thua cuộc. Thế nhưng ván cờ thua không phải chỉ do bị chiếu bí. Sau đây chúng ta nói rõ hơn về ván cờ thua, minh hoạ lại những qui định cơ bản ở chương một.

a. Ván cờ thua do bị chiếu bí 

Thế cờ trên minh hoạ rõ trường hợp này: Trắng hoặc Đen đi trước sẽ chiếu bí Tướng đối phương. Chương sau chúng ta sẽ học những kiểu chiếu bí điển hình do sự hợp lực giữa các quân tấn công vào Tướng đối phương.

b. Ván cờ thua vì Tướng bị lộ mặt 

Căn cứ vào luật đi quân thì hai Tướng không được nhìn thấy mặt nhau (không được lộ mặt Tướng). Như vậy khi bên bị chiếu mà Tướng vi phạm thì bị xử thua. Hình bên cho thấy: Nếu Trắng đi 1.X5-6 thì Tướng Đen chạy vào lộ giữa nhìn thấy Tướng Trắng. Do đó bên Đen bị xử thua ngay.

c. Ván cờ thua vì "kẹt nước" hay bí nước 

Trường hợp này Tướng không bị chiếu nhưng tất cả các quân đều không có quân nào thực hiện được nước đi đúng luật. Tình trạng này thuật ngữ Trung Quốc gọi là "khốn bí" hay là chết nghẹt.

Như hình: Sau khi Trắng đi 1.Tg.1 thì các quân Đen nghẹt cứng không đi được. Đen bị xử thua.

d. Ván cờ thua do bên yếu kém tự nguyện 

Có nhiều ván cờ khi chưa kết thúc nhưng một bên chủ động tuyên bố chịu thua. Có thể nêu các trường hợp sau đây:

Khi đối phương đông quân hơn còn bên mình yếu kém không thể chống đỡ được nữa.

Như thế cờ hình dưới: Đen chống đỡ nữa cũng vô ích. Trắng hơn một Pháo khống chế trung lộ, nhảy Mã qua phối hợp làm thua dễ thôi. Đen đầu hàng.

Khi đối phương nhiều Tốt hơn mà bên mình không có khả năng phản đòn, chống đỡ chỉ là tuyệt vọng thôi.

Như thế cờ dưới, Trắng hơn 3 Tốt đảm bảo sẽ tràn sang đủ cả 3. Đen chịu thua sớm cho đỡ kéo dài thời gian

Khi đối phương thắng thế quá lớn đảm bảo sẽ làm thua trong 2 - 3 nước.

Như thế cờ dưới: Trắng chơi M3.2 rồi phối hợp với Pháo chiếu bí trong 2 nước. Đen lâm vào thế tuyệt sát, không cần đối phương phải ra tay, buông cờ nhận thua là lịch sự.

Khi đối phương đưa đến một tình thế mà ai cũng công nhận là thắng.

Chẳng hạn thế cờ dưới: Trắng còn 1 Xe 1 Tốt phải thắng đối phương 1 Xe 1 Sĩ. Điều này coi như ai cũng công nhận, Đen chịu thua ngay.

Ngoài ra các ván cờ thua do phạm luật, do lỗi kỹ thuật hoặc lỗi tác phong hay đi quá trễ... đều bị trọng tài xử lý theo điều lệ giải.

3. Ván cờ hoà 

Đây là trường hợp ván cờ kết thúc mà không có người thắng, kẻ thua giống như trận đấu bóng đá, hai bên giữ được tỉ số 0-0.

Thực ra ván cờ hoà diễn ra cũng ở nhiều dạng.

a. Hoà cờ vì không bên nào đủ sức chiến thắng 

Tình trạng này lực lượng hai bên đều có hạn, không đủ quân để chiến thắng đối phương. Tốt nhất là nên ngừng ván cờ và đồng ý hoà.

Như ván cờ dưới: Trắng hơn một Pháo nhưng không có quân nào khác làm ngòi chiếu Tướng, vì vậy Trắng phải đồng ý hoà.

b. Hoà cờ vì hai bên đưa đến thế cờ hoà điển hình:

Tình trạng này hai bên tạo thành thế cờ mà trong làng cờ ai cũng thừa nhận là hoà. Do đó nên chấp nhận hoà là hợp lẽ.

Chẳng hạn thế cờ dưới:

Trắng đi trước.

1.X5-2 Tg/1
2.X2.4 Tg.1
3.Tg.1 M3.1
4.X2/1 M1/3 

Thế cờ này tuy Trắng ưu thế, nhưng Đen có đến 4 con hợp thành một hệ thống phòng ngự hoàn chỉnh khiến Trắng không uy hiếp được. Thế cờ này làng cờ đều nhìn nhận Trắng không thắng được, vì vậy hai bên đồng ý hoà.

c. Hoà cờ do một bên đề nghị một bên đồng ý 

Trường hợp này hai bên tạo ra một thế cân bằng, nếu chơi giỏi vẫn có thể thắng, thua. Thế nhưng thế trận hai bên đều vững chắc, không có sơ hở gì để khai thác. Nếu một bên đề nghị hoà với đối phương đồng ý thì ván cờ được xử hoà.

Như thế cờ dưới, hai bên chờ sơ hở của đối phương để tấn công, nhưng chẳng bên nào có cơ hội để tấn công. Nếu như Đen hoặc Trắng đề nghị hoà và đối phương đồng ý thì xem là hoà cờ.

d. Hoà cờ là do hai bên cùng phạm kỳ lệ hoặc các nước cứ lặp đi lặp lại

Nếu như hai bên cùng phạm một điều trong kỳ lệ hoặc cả hai lặp đi lặp lại các nước hợp lệ nhưng không chịu thay đổi nước đi khác thì trọng tài có quyền xử hoà, chẳng cần hỏi ý kiến của đấu thủ nào.