Những Quy Tắc Cơ Bản Khi Đấu Cờ Tướng

Trước kia, khi chơi cờ Tướng được coi là một sinh hoạt văn hoá, thì không cần thiết có những qui định quá khắt khe trong giao đấu. Vì dẫu sao đó cũng là những giây phút giải trí thanh cao. Nhưng từ khi cờ được coi là một loại hình thi đấu thể thao cần xác định rõ kẻ thắng người thua, thì nảy sinh ra nhiều điều mà nếu không qui định rõ ràng dứt khoát dễ xảy ra những vụ tranh cãi. Do đó, luật chơi từng bước đã được sửa đổi bổ sung, trong đó có những qui tắc về ván đấu được định rõ. Mặt khác đã đấu cờ thì phải biết ăn quân, bắt quân, nhưng không phải ăn hết quân đối phương mới là thắng. Phần trước đã nêu: khi đối phương chiếu Tướng mà bên bị chiếu, chống đỡ bằng mọi cách không kết quả thì thua ván cờ. Phần này nói rõ hơn về mục đích tối hậu của ván đấu, kể cả những trường hợp thắng, thua và hoà cờ.


1. Bốc thăm để đi trước, đi sau 

Khi bắt đầu chơi ván cờ, người cầm quân Trắng (Trắng) đi trước, người cầm quân Đen (Đen) đi sau. Muốn được cầm quân Trắng thì phải bốc thăm. Nếu đấu một ván thì bốc thăm một ván, còn đấu hai ván hoặc nhiều ván thì chỉ bốc thăm ván đầu, các ván sau cứ thay phiên nhau đi trước đi sau cho công bằng. Thế nhưng cần biết rõ: Thi đấu vòng tròn thì có một bản qui định sẵn được công bố trước khi bốc thăm chọn số thứ tự, chỉ căn cứ vào đó thực hiện.

Còn đấu theo hệ Thuỵ Sĩ thì mỗi vòng đấu đều phải bốc thăm nhưng do căn cứ vào từng nhóm điểm nên có khi bốc thăm cho hợp lệ chứ theo nhóm điểm thì các cặp đấu gần như qui định sẵn.

2. Chạm quân nào phải đi quân ấy 

Khi tay đấu thủ đã chạm vào quân cờ thì được coi là chạm quân, không cần biết quân cờ đó thuộc bên nào. Bây giờ có bốn trường hợp xảy ra và được định thành qui tắc như sau:

a. Trường hợp chạm vào quân của mình 

Chúng ta xem hình dưới để hiểu rõ vấn đề.

Khi tay đấu thủ đã chạm vào quân của chính mình, hễ chạm vào quân nào thì phải đi quân đó. Chẳng hạn bên Trắng đã chạm vào quân Tượng, thì dù bị mất Xe cũng phải đi. Nhưng rủi phải chạm vào quân Sĩ thì sao? Vì Sĩ không thể di động được. Nếu chạm Sĩ trong trường hợp này thì cho phép đi quân khác và bị ghi phạm lỗi kỹ thuật.

Nếu rủi chạm vào hai quân của mình thì sao? Chẳng hạn thế cờ trên, bên Trắng chạm vào Mã rồi chạm vào Xe? Trường hợp này buộc phải đi quân nào bị chạm trước, tức là phải đi Mã chứ không được đi Xe dù đi Mã thì bị mất Xe.

b. Trường hợp chạm vào quân đối phương

Nếu chạm quân cờ nào của đối phương thì phải ăn quân đó. Trường hợp không có quân cờ nào của mình ăn được quân đó thì mới được đi nước khác và bị ghi phạm lỗi kỹ thuật.

Xem hình dưới. Nếu Trắng chạm vào quân Tượng giữa của Đen thì bắt buộc phải dùng Xe ăn quân Tượng này, dù ăn như vậy sẽ mất Xe cũng phải chịu. Còn nếu chạm vào Sĩ của đối phương? Vì Trắng không có quân nào ăn Sĩ được nên cho phép đi quân của mình.

Nếu chạm vào 2 quân của đối phương thì sao? Thì phải ăn quân nào chạm trước. Như hình trên, Trắng chạm Mã Đen rồi chạm vào Xe Đen thì buộc phải dùng Pháo ăn Mã Đen, dù đi như vậy thì Xe Đen sẽ chiếu Tướng và chạy thoát cũng phải chịu.

c. Trường hợp chạm vào quân mình trước rồi chạm vào quân đối phương sau

Đầu tiên buộc phải dùng quân của mình đã chạm ăn quân của đối phương bị chạm.

Nếu quân mình đã chạm không ăn được quân đối phương bị chạm theo đúng luật thì phải đi quân mình đã chạm.

Nếu quân mình đã chạm không đi được theo luật thì phải ăn quân bị chạm của đối phương bằng một quân khác của mình.

Trường hợp không có quân nào của mình ăn được quân bị chạm của đối phương thì mới được đi quân khác nhưng bị ghi phạm lỗi kỹ thuật.

Xem thế cờ dưới. Nếu bên Trắng chạm vào Mã của mình rồi chạm vào Tượng giữa của Đen thì bắt buộc Mã phải ăn Tượng. Nhưng nếu Trắng chạm vào Mã của mình rồi chạm vào Sĩ giữa của đối phương thì rõ ràng Mã không ăn Sĩ được nên cho đi Mã và ghi lỗi kỹ thuật. Nếu Trắng chạm vào Tướng của mình rồi chạm vào Xe Đen thì rõ ràng đi Tướng không được, ăn Xe cũng không được thì phải cho đi quân khác và ghi lỗi kỹ thuật.

d. Trường hợp chạm quân đối phương trước rồi chạm quân mình sau

Quân mình đã chạm phải ăn quân đối phương bị chạm.

Quân mình đã chạm không ăn được quân đối phương bị chạm, thì phải ăn bằng một quân khác.

Nếu không có quân nào ăn được thì phải đi quân mình đã chạm.

Nếu quân mình đã chạm không đi được thì mới cho đi quân khác nhưng bị ghi lỗi kỹ thuật.

Để rõ hơn ta xem hình dưới. Nếu bây giờ Trắng chạm Tốt 5 của Đen rồi chạm quân Mã của mình thì bắt buộc Mã Trắng phải ăn Tốt đầu. Còn nếu Trắng chạm Tốt biên Đen rồi mới chạm Mã Trắng thì Mã Trắng không ăn Tốt biên được, bắt buộc Xe Trắng phải ăn Tốt, dù sẽ bị Mã Đen ăn lại. Nếu như Trắng chạm Mã của mình rồi chạm Mã đối phương thì rõ là Mã Trắng không ăn được Mã Đen và cũng không có quân Trắng nào ăn được Mã Đen thì bắt buộc Trắng phải đi con Mã của mình. Trường hợp cuối cùng là bên Trắng chạm Tượng Đen rồi chạm vào Pháo của mình, thì rõ là Pháo Trắng không ăn được Tượng mà cũng chẳng có quân Trắng nào ăn được Tượng. Đã thế, Pháo Trắng không di động được, như vậy phải cho Trắng đi quân khác rồi ghi lỗi kỹ thuật.

3. Quân đã đi, không được đổi lại vị trí

Quân đã đặt xuống, chạm bàn cờ thì dù chưa buông tay ra cũng không được thay đổi vị trí khác. Để rõ là đã đặt xuống chưa, người ta buộc khi đi quân phải nhấc quân cờ lên cao, không được kéo rê trên bàn cờ. Ta xem hình dưới.

Trắng cầm Xe tấn 4, đã đặt Xe chạm vị trí mới nhưng chưa buông tay ra. Chợt thấy Xe bị Mã ăn nên kéo lùi lại một nước. Như vậy là vi phạm, buộc Trắng phải đặt Xe ở vị trí nên để Mã ăn. (Nhiều người tự qui định là buông tay ra mới hoàn thành nước đi. Điều này hoàn toàn trái với quy tắc chơi cờ, cần bác bỏ).

4. Những điều được thực hiện và những điều phạm luật

a. Bất kể tình huống nào, chiếu mãi sẽ bị xử thua

b. Các trường hợp: Doạ chiếu bí mãi; một chiếu một hăm bí; một chiếu một bắt quân; một chiếu một dừng; một chiếu một đòi rút ăn quân; một bắt một hăm chiếu rút quân; nếu hai bên không thay đổi nước đi thì xử hoà.

c. Một quân đuổi bắt mãi một quân thì bị xử thua (nhưng được quyền đuổi bắt mãi Tốt chưa qua hà). Hai quân hoặc nhiều quân đuổi mãi một quân thì cũng bị xử thua (nhưng Tướng và Tốt thì được quyền đuổi bắt mãi 1 quân).

d. Một quân lần lượt đuổi mãi hai hoặc nhiều quân thì xử hoà; hai quân thay nhau đuổi bắt hai hoặc nhiều quân cũng xử hoà.

e. Một bên hai lần bắt một quân, một bên chạy nhưng có 1 lần bắt lại, thì bên hai lần bắt phải thay đổi nước (vì coi như đuổi bắt mãi) nếu không sẽ bị xử thua.

f. Đuổi bắt mãi quân có căn thật thì xử hoà, đuổi mãi quân có căn giả thì bị xử thua. Nhưng Mã hoặc Pháo nếu đuổi mãi Xe có căn cũng không được (vì giá trị nhỏ hơn nhiều). Nếu không thay đổi nước cũng bị xử thua.

g. Đuổi bắt mãi quân cùng loại thì xử hoà (coi như đổi) nhưng nếu quân bị đuổi bắt bị ghim không thể di chuyển được để đổi thì coi như đuổi bắt mãi, nếu không đổi nước sẽ xử thua. Tuy nhiên con Mã linh hoạt đuổi bắt mãi con Mã bị cản thì coi là đuổi bắt mãi, nếu không đổi nước, xử thua.

h. Đuổi bắt hai lần nhưng nếu trong đó có một lần thực chất là đòi đổi quân mà đối phương không chịu thì vẫn coi là đuổi bắt mãi. Bên đuổi bắt mãi phải đổi nước, nếu không sẽ xử thua.

i. Các nước cản mãi, thí quân mãi (đút cho đối phương ăn) đòi đổi mãi, doạ mãi nước chiếu rút ăn quân đều cho phép. Hai bên không thay đổi nước đi đều xử hoà.