Giới Thiệu Chi Tiết Về Bàn Cờ Tướng

Cờ Tướng là cuộc chơi giữa hai đấu thủ điều khiển hai đạo quân đối nghịch giao tranh nhau. Cuộc giao tranh này diễn ra trên một bãi chiến trường là bàn cờ và quân số của hai đạo quân này bằng nhau, từng loại binh chủng giống y nhau, đó là quân cờ. Hai đấu thủ chơi phải tuân theo những quy ước và luật lệ chính xác, rõ ràng được mọi kỳ thủ tôn trọng chấp hành, đó là những luật chơi.


Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn các khái niệm, kiến thức chung về bàn cờ Tướng.

Bàn cờ 

Bàn cờ Tướng có hình chữ nhật, có 9 đường dọc và 10 đường ngang giao cắt nhau, tạo thành 90 giao điểm. Giữa bàn cờ thường có một hàng ngang trống (không có đường kẻ đứng) dùng làm ranh giới phân chia hai bên và được gọi là sông (hoặc "hà"). Đây là ranh giới chia hai bên thành hai trận địa đối nghịch nhau, một bên của quân đỏ, một bên của quân xanh.

Mỗi bên có 9 giao điểm nằm trên bốn ô vuông phân biệt với các ô khác bằng các đường kẻ chéo gọi là "cung Tướng".



(Hiện nay theo Luật cờ của Liên đoàn cờ Việt Nam, dù mầu sắc quân cờ như thế nào cũng phải qui về hai mầu: trắng và đen. Hình bàn cờ in trong sách, báo được qui ước phía dưới thuộc bên trắng, phía trên thuộc bên đen.)

Cách gọi tên các vị trí 

Để chỉ rõ vị trí toạ độ trên bàn cờ cũng như để ghi được sự di chuyển của các quân người ta qui ước đặt tên các đường dọc và các đường ngang như hình vẽ.

Chín đường dọc được đánh số từ 1 đến 9 và khởi đầu từ bên phải sang bên trái của mỗi đấu thủ. Như vậy cùng một đường dọc, đấu thủ này gọi là lộ 1 thì đấu thủ kia gọi là lộ 9, đấu thủ này gọi là lộ 2 thì đấu thủ kia gọi là lộ 8. Cứ như thế ta thấy tương ứng các lộ 3, 4 với 7, 6. Chỉ có lộ 5 (còn gọi là trung lộ) là giống nhau.

Còn 10 đường ngang thì mỗi bên lại lấy đường ngang dưới cùng của mình làm chuẩn để gọi tên: Tuyến đáy, Tuyến áp đáy, Hàng tuyến Pháo, Hàng tuyến Tốt, Tuyến hà (gọi tắt là hà). Tuy nhiên các tên này ít khi được sử dụng, trừ một số nhà nghiên cứu, bình luận cờ.

Tên các đường dọc được sử dụng thường xuyên, vì các quân cờ đứng trên đường dọc nào thì mang tên đường dọc đó cho dễ nhận và dễ phân biệt.



Thời xưa, người ta đặt tên cho mỗi giao điểm một tên riêng. Bàn cờ có 90 giao điểm thì có 90 tên. Chẳng hạn, quyển Mai Hoa phổ, bản cổ xưa đặt tên các giao điểm ở đường ngang dưới cùng từ bên phải sang bên trái là: Tương - Các - Gian - Thiên - Hoành - Vũ - Phòng - Tiên - Mang (đối với bên trắng). Còn tên các giao điểm ở tuyến đáy của bên đen lại là: Nhạn - Toán - Thời - Tần - Sĩ - Doanh - Hoang - Khuyến - Trường. Đặt tên như vậy khi quân cờ di chuyển từ vị trí nào đén vị trí nào sẽ nêu tên cụ thể ra, không sợ nhầm lẫn. Người đời sau thấy đặt nhiều tên quá khó nhớ nên đã cải biên lại cho dễ nhớ hơn. Kiểu cải biên nêu trên chưa thật khoa học nhưng đã trở thành thói quen, người ta không chịu thay đổi nữa.

Do đó, hiện nay, một số nhà nghiên cứu đề nghị đặt tên các đường dọc theo số thứ tự từ 1 đến 9, lấy bên trắng làm chuẩn và đánh số thứ tự từ trái sang phải. Còn các đường ngang thì cũng thống nhất ghi từ dưới lên trên để các đưòng mang tên a, b, c, d, e, f, g, h, i và j. Từ đó mỗi giao điểm hay mỗi toạ độ sẽ mang một tên khác nhau, chẳng sợ nhầm lẫn, giống kiểu làm của Mai Hoa phổ cổ xưa. Kiểu này khoa học nhưng do không quen nên chẳng mấy ai chịu theo.

Quyển Luật Cờ Tướng do Liên Đoàn Cờ Việt nam ban hành vẫn sử dụng qui ước toạ độ như cũ nên chúng ta chấp hành giữ nguyên như vậy. Hội Liên Hiệp Cờ Tướng Thế Giới cũng không có chủ trương thay đổi những qui ước này thì không có lý do gì chúng ta lại đổi khác đi. Nếu đổi khác thì khó khăn cho các kỳ thủ ta tham dự các cuộc thi đấu quốc tế. Vả lại, đổi khác đi tưởng dễ, hoá ra càng phức tạp hơn, đặc biệt sách báo viết về cờ ghi theo lối cũ, các em thanh thiếu niên học theo kiểu mới sẽ không đọc được các sách này.